Hà Nội tiếp tục siết tách thửa đất

Điều kiện tách thửa đất trên địa bàn TP Hà Nội phải có diện tích tối thiểu 30m2 đối với khu vực trung tâm, 40m2 đối với các phường thuộc thị xã, quận huyện còn lại.

UBND TP Hà Nội mới đây có Dự thảo Quy định “Điều kiện tách thử, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn TP Hà Nội”.

Dự thảo nêu rõ thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách thửa phải đáp ứng điều kiện có đường vào. (Ảnh: LV)

Cụ thể, các thửa đất được hình thành từ việc tách thửa phải có chiều dài (chiều sâu) so với chỉ giới xây dựng từ 4m trở lên và có chiều rộng cạnh tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu (hoặc mô tả trên hồ sơ) từ 3m trở lên đối với khu vực các phường, thị trấn; từ 4m trở lên đối với khu vực các xã vùng đồng bằng; từ 5m trở lên đối với khu vực các xã vùng trung du và miền núi.

Đồng thời, có diện tích nằm ngoài chỉ giới đường đỏ không nhỏ hơn 30m2 đối với khu vực các phường thuộc 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng; không nhỏ hơn 40m2 đối với khu vực các phường thuộc thị xã Sơn Tây và 8 quận: Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ; không nhỏ hơn hạn giao đất ở mới (mức tối thiểu) quy định tại Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 20/2017/QĐ-UBND ngày 01/6/2017 của UBND TP đối với các xã, thị trấn còn lại.

Thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách thửa phải đáp ứng điều kiện có đường vào. Trường hợp chia tách thửa đất có hình thành đường giao thông trên diện tích đất không phải là đất ở, thì người sử dụng đất phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trước khi thực hiện thủ tục chia tách thửa đất.

Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng ban hành quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 11/2017 về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn thành phố. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 4/6/2022.

Theo đó, điều kiện, tiêu chí để tách thửa là khu đất phải liền thửa, không bị chia cắt; có vị trí ít nhất một mặt tiếp giáp với tuyến đường hiện có, hoặc tuyến đường theo quy hoạch, có khả năng kết nối với hạ tầng kỹ thuật chung khu vực. Có kích thước các cạnh của thửa đất từ 10 m trở lên (đối với đất thương mại, dịch vụ và đất khác) hoặc 20 m trở lên (đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp).

Cùng với đó, phải có diện tích nằm ngoài chỉ giới đường đỏ tối thiểu từ 200 m2 trở lên (đối với đất thương mại, dịch vụ và đất khác) hoặc 400 m2 trở lên (đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp) và chiếm từ 10% trở lên so với diện tích khu đất thực hiện dự án.

Vào tháng 3/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất; thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.

Chỉ tiết tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất đối với thửa đất ở (toàn bộ diện tích thửa đất là đất ở) đảm bảo điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.

Nhiều huyện ngoại thành Hà Nội đất trồng cây nhưng lại đang được rao bán đất nền (Ảnh: LV)

Nguyên nhân bởi thời gian qua, tại một số huyện ngoại thành của Hà Nội, xuất hiện tình trạng các cá nhân, nhà đầu tư nhỏ lẻ tự mua gom đất vườn, đất trồng cây lâu năm rồi phân lô, bán nền.

Giới đầu cơ tham gia thị trường này khá tấp nập, nhưng rất ít người mua để ở, từ đó dẫn đến tình trạng “sốt ảo”, thổi giá, nhiễu loạn thị trường rồi gây ra những hệ lụy mà cả Nhà nước và người dân phải gánh chịu. Thực trạng này diễn ra ở nhiều huyện Hà  như: Thạch thất, Quốc Oai, Mê Linh, Đông Anh…

Luật sư Trịnh Hữu Đức – Văn phòng luật Hàm Rồng cho biết, các chủ sở hữu hoặc một số người đầu tư lướt sóng bằng những chiêu trò như gom một diện tích từ vài trăm đến hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp, trồng cây xen lẫn với đất ở đã được cấp sổ đỏ, để “nhập nhèm” chuyện giao dịch đất đai, trong khi chính quyền cơ sở cũng khó có thể can thiệp vì đây chỉ là giao dịch dân sự.

Việc tách thửa, phân lô để bán đất nền như vậy không loại trừ khả năng do một nhóm “cò đất” lợi dụng thông tin UBND TP Hà Nội mới có thêm đề xuất quy hoạch hạ tầng, giao thông cho các huyện ngoại thành, rồi tung tin có dự án bất động sản gần dự án hạ tầng để môi giới kiếm lời.

“Vì vậy, người dân cần hết sức cẩn trọng, chỉ thực hiện giao dịch khi đã đầy đủ pháp lý, không nên nghe theo những lời quảng cáo vì ham rẻ mà sẵn sàng chấp nhận rủi ro đầu tư” – Luật sư Trịnh Hữu Đức khuyến cáo.

Tin tức Liên quan

Tags: , ,

Để lại một bình luận